Sau cơn bão số 3 (Yagi), mưa lớn đã và đang xảy ra diện rộng tại các tỉnh phía Bắc gây thiệt hại nặng nề về con người và tài sản. Hoá chất nếu không được lưu trữ và bảo quản cẩn thận có thể bị rò rỉ và khi ngập lụt các thùng phuy can chứa có thể bị cuốn trôi. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm mà còn vô tình gây nguy hiểm cho môi trường và cộng đồng. Hãy cũng Hóa Chất Việt Quang tìm hiểu các biện pháp phòng thủ cơ bản và phân loại hóa chất để lưu trữ bảo quản an toàn trong mùa mưa lũ nhé.
 

1. Biện pháp phòng ngừa

- Đảm bảo các thùng chứa hóa chất được đậy kín và không bị rò rỉ.
- Nếu kho lưu trữ của bạn đang nằm trong khu vực dễ bị ngập nước, hãy cố gắng di chuyển hóa chất đến nơi cao hơn mức ngập dự kiến 1-2m.
- Các khu vực kệ phải được neo chặt để tránh bị lật do gió hoặc nước chảy qua. 
- Thường xuyên kiểm tra để phát hiện sớm các dấu hiệu hư hỏng hoặc rò rỉ.
- Chuẩn bị sẵn các vật liệu hấp phụ như cát, đất sét…..để xử lý nhanh chóng nếu xảy ra rò rỉ.
- Phaỉ kiểm tra kỹ lượng hệ thống điện trong kho chứa, nhà xưởng để tránh xảy ra chập cháy. Ngắt điện khi cần thiết tránh những tai nạn không mong muốn cho người và tài sản.

2. Cách sắp xếp mặt hàng hoá chất trong kho lưu trữ

- Dạng bao: Các hóa chất khi được đóng gói trong bao thường không có khả năng chịu được lượng nước lớn khi ngập có khả năng gây rò rỉ hóa chất ra môi trường ngay lập tức, do đó nên di chuyển những hàng này lên những nơi khô ráo, thoáng mát. Bọc phủ bạt kín.
- Dạng phuy sắt: ưu tiên di chuyển lên nơi khô ráo, thoáng mát. Do đặc điểm hàng hóa đựng trong phuy này thường là dung môi, dung môi dễ cháy nổ nên phải di chuyển đến những nơi an toàn. Tránh nguy cơ cháy nổ. Phuy sắt ngâm lâu trong nước có khả năng bị ăn mòn gây dò gỉ hóa chất nên cần nhanh chóng di dời tới khu vực khô ráo.
- Dạng phuy nhựa: vỏ phuy này thưởng bền hơn trong nước so với phuy sắt nên ưu tiên vận chuyển sau. Tuy nhiên khối lượng hàng hóa trong phuy nhựa thường lớn 200-300 kg/phuy nên cần công cụ, hỗ trợ người sắp xếp nhân lực để di chuyển. Nên tiến hành vận chuyển hàng hóa này sớm trong khả năng, để chủ động bố trí.
- Dạng can nhựa: chứa các hóa chất dạng lỏng, khối lượng từ 25-50 kg/can. Can thường chịu được lực không quá 100 kg và do khối lượng nhỏ nên có khả năng bị cuốn trôi. Nên giữ can ở khu vực an toàn, không ngập nước. Đề phòng tình trạng dò gỉ không lường trước được. 

3. Lưu ý  mức độ nguy hiểm hóa chất

Hoá chất là mặt hàng hàng hoá đặc biệt. Vì vậy, khi bảo quản cần lưu tâm tới tính chất nguy hiểm của hàng hoá để có phương án lưu trữ thích hợp.
- Kẽm, niken, chì….thường không gây nguy hiểm tuy nhiên nếu bị ngập nước sẽ làm giảm chất lượng sản phẩm. 
- Các hóa chất dạng rắn dễ tan trong nước đôi khi xảy ra hiện tượng tỏa nhiệt có thể gây kích ứng da, ảnh hưởng đến hệ sinh thái như: NaNO2, NaNO3, NaHSO3, Na2SiO3, K2SO4, CuSO4, KCl, NH4Cl, K2Cr2O7, KNO3, NiSO4, MgSO4, ZnSO4, SnSO4, (NH2)2CO, HEC, EDTA, NaCl, hóa chất tẩy dầu dạng bột, hóa chất định hình…
- Các axit, bazơ khi gặp nước sẽ tạo ra lượng nhiệt cực lớn, có khả năng ăn mòn gây nguy hiểm như HCl, H2SO4, H3PO4, NH4OH, hóa chất đánh bóng, hóa chất phosphate (kẽm, sắt, mangan), hóa chất nhuộm đen.
- Các dung môi hữu cơ phần lớn không tan trong nước nhưng khi gặp nước chúng sẽ nổi trên mặt nước có nguy cơ gây cháy nổ như toluen, TCE, hóa chất hóa dầu, hóa chất tẩy sơn.
- Một số chất có thể phản ứng dữ dội với nước tạo ra axit, các khí độc hại như Na3PO4, NH4F, NH4HF2, CaC2, AlCl3, ….
 

4. Kết luận

Việc lưu trữ bảo quản hóa chất trong điều kiện mưa bão đòi hỏi sự cẩn trọng đặc biệt để đảm bảo an toàn cho con người và môi trường. Thực hiện kiểm tra thường xuyên tình trạng của kho trước và sau mùa mưa bão chúng ta mới có thể giảm thiểu thiệt hại về hóa chất và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Hãy luôn giữ tinh thần đoàn kết để vượt qua mọi khó khăn. Hóa Chất Việt Quang kính chúc quý khách vượt qua mùa mưa lũ an toàn, hiệu quả.