1. Thành phần hóa chất trong pháo nổ
Hóa chất được sử dụng trong việc chế tạo pháo nổ chủ yếu là các chất dễ cháy nổ như kali clorat, lưu huỳnh, bột nhôm, những chất này chỉ cần một sai sót nhỏ trong quá trình trộn lẫn cũng có thể dẫn đến thảm họa. Khi trộn sai tỷ lệ hóa chất, thiếu kinh nghiệm xử lý và bảo quản hóa chất trong môi trường không thích hợp có thể gây ra những vụ nổ lớn.
2. Hiểm họa nghiêm trọng từ pháo nổ tự chế
Các loại pháo bị nghiêm cấm hiện nay bao gồm: pháo nổ (pháo bánh, pháo quả, pháo tràng,...), pháo hoa nổ - pháo hoa không thuộc Bộ Quốc Phòng sản xuất. Thành phần trong pháo nổ gây ra những tác hại, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người như:
- Gây kích thích, suy đường hô hấp: nguyên liệu để làm pháo nổ chủ yếu là lưu huỳnh, phốt pho, magiê, bột than, muối nitrat (kali nitrat) hoặc kali clorat. Khi đốt pháo, ngoài các tiếng nổ đùng đoàng, tạch tạch, cùng ánh sáng nhiều màu, nhiều vẻ của pháo hoa còn các đám bụi khói. Trong đó lưu hình đioxit, nitơ đioxit là những chất có tính ăn mòn, tính axit và tính oxi hóa - tính khử rất mạnh. Chính các chất khí này khi hòa tan vào nước mưa sẽ tạo các đám mưa axit. Khi đốt quá nhiều pháo nổ mà gặp lúc không có gió, áp suất khí quyển thấp thì không có cách nào làm cho bay tản đi nơi khác, sẽ kích thích mạnh đường hô hấp của con người gây nên tình trạng ho, viêm phế quản.
- Gây dị ứng, mẩn ngứa: pháo có rất nhiều loại trong đó có những loại pháo ép dạng đồ chơi nguy hiểm có chứa hóa chất độc hại. Các loại pháo đồ chơi này có dạng túi nilon nhỏ, bên ngoài có vẽ nhiều hình thù khác nhau và màu sắc hấp dẫn. Bên trong có chứa một loại chất bột màu trắng (thường là hóa chất gốc nitrat) và 1 túi nhỏ hơn chứa chất lỏng màu hồng (phụ gia màu). Sau khi có tác động ngoại lực sẽ phát tiếng nổ làm cả 2 túi chất lỏng bị vỡ và gây mùi khó chịu. Khi bột và chất lỏng vỡ ra sẽ phát ra tiếng nổ, bề mặt da tiếp xúc với hóa chất này có thể bị dị ứng và gây mẩn ngứa khắp người.
Viêm cuống phổi do hít phải tàn kim loại có trong pháo: bụi khói pháo tùy thuộc thành phần phối chế thuốc pháo mà có thể khác nhau. Khi một lượng lớn khí lưu huỳnh đioxit, nitơ đioxit, cacbon đioxit, cacbon monoxit là những khí có hại cho sức khỏe con người và bụi của các oxit kim loại.
- Gây sát thương: Trong pháo có thành phần lưu huỳnh, muối nitrat đây là những chất dễ nổ. Do đó khi làm pháo, khi vận chuyển, khi đốt chỉ cần trong một số bước tiến hàng nếu có sơ suất có thể làm nổ một lượng lớn thuốc pháo hoặc pháo thành phẩm, gây thương vong lớn. Ngoài ra khi đốt pháo, tiếng nổ đinh tai cũng gây tiếng ồn lớn, góp phần gây ô nhiễm âm thanh, tiếng pháo nổ bất ngờ, công suất quá to có thể ảnh hưởng đến bộ thần kinh con người và gây mất trật tự công cộng.
Chỉ còn 1 tháng nữa là tới tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025 nhưng đã xảy ra một số vụ nổ nghiêm trọng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chiều 14/12, tại Đắk Lắk vừa xảy ra một vụ 3 HS chế tạo pháo khiến pháo phát nổ phải nhập viện cấp cứu, đó là L.B.H, P.C.H và L.H.A.N (cùng học lớp 6 trường THCS Trần Hưng Đạo, xã Tam Giang, H.Krông Năng). Theo đó, sau khi tìm hiểu cách chế tạo pháo trên MXH, 3 HS này mua diêm về chế tạo pháo nhưng không may pháo phát nổ. Ngay sau khi sự việc xảy ra, người dân đã đưa các em đến đến bệnh viện cấp cứu. Cả ba nhập viện trong tình trạng bị đa chấn thương, nhiều mảnh thủy tinh găm vào người. Trong đó, 1 em phải phẫu thuật bàn tay, 1 em bị thương ở mắt và phần mềm, em còn lại bị thương ở tay, chân, bụng.
Trước đó, sáng 07/12, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) cho biết đã tiếp nhận 4 HS (13 - 14 tuổi, cùng trú xã Trường Sơn, H.Quảng Ninh) nhập viện cấp cứu trong tình trạng bỏng nặng, sưng phù toàn bộ vùng mặt và tay chân, đa chấn thương cơ thể do các em tự tìm hiểu và chế tạo pháo nổ theo hướng dẫn trên MXH. Một ngày sau, sáng 08/12, tại làng Pan (xã Dun, H.Chư Sê, Gia Lai) cũng xảy ra vụ nổ pháo khiến cháu T.T.N (SN 2011) thiệt mạng. Theo nhân chứng, khi cháu N. đi vào phòng ngủ gần bếp để tự chế thuốc nổ thì, mọi người nghe tiếng nổ phát ra liền chạy vào kiểm tra, phát hiện N. đã bất tỉnh.
Mới đây, CAH Tân Yên (tỉnh Bắc Giang) thông tin, khoảng 18 giờ 25 ngày 02/12, nhà anh Trần Văn Thương (SN 1986, trú thôn Chính Ngoài, xã Quang Tiến, H.Tân Yên, Bắc Giang) có tiếng nổ lớn. Vụ nổ khiến anh Thương tử vong; ngôi nhà vỡ 2 tường bao, cửa sổ tầng 2 và hư hỏng một số đồ vật. Tiếp nhận tin báo, CAH Tân Yên đã khám nghiệm hiện trường, triển khai các biện pháp xác minh sơ bộ. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do anh Thương quấn pháo tự chế gây nổ.
Trước đó, ngày 15/11, người dân thôn 1 (xã Du Lễ, H.Kiến Thụy, TP.Hải Phòng) nghe tiếng nổ lớn tại nhà anh Đào Văn C. (SN 1991). Khi mọi người chạy đến thì căn nhà của anh C. đã biến dạng, cửa cuốn tầng 1 cong dập và bung ra phía ngoài, các cửa tầng 2 bị vỡ, kính rơi tung tóe và một số vật dụng đang cháy. Bên trong nhà, anh C. toàn thân sém đen, lê lết ra phía ngoài đường thì gục ngã. Nạn nhân đã được đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay sau đó nhưng đã tử vong vì bỏng nặng.
(Nguồn tin: Báo Công An Nhân Dân)
Do đó, việc tự ý chế tạo, sản xuất, sử dụng pháo nổ trái phép là hành vi cực kỳ nguy hiểm, vi phạm pháp luật, tiềm ẩn mối nguy hiểm khôn lường tới tính mạng, sức khỏe.
- Nguy cơ cháy, nổ: Dễ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như hư hỏng, hiện hại tài sản, thương tích, hoặc thậm chí tử vong.
- Vi phạm pháp luật: Hành vi này bị cấm tại Việt Nam và có thể bị xử lý hình sự.
- Rủi ro sức khỏe: Tiếp xúc với các hoá chất độc hại khi chế tạo pháo có thể gây ngộ độc hoặc tổn thương lâu dài.
3. Nâng cao ý thức chấp hành Pháp luật
- Mọi người dân cần nghiêm chỉnh chấp hành Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo, trong đó nghiêm cấm hành vi sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại pháo không được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Đây là các hành vi vi phạm và theo quy định của pháp luật có thể bị xử lý hình sự
- Gia đình và nhà trường cần tăng cường quản lý, giáo dục trẻ em, học sinh, sinh viên về quy định quản lý, sử dụng pháo, tuyệt đối không tham gia chế tạo pháo nổ.
- Khi phát hiện các hành vi chế tạo pháo nổ trái phép cần báo ngay cho cơ quan Công an sở tại gần nhất.