Luật Hóa chất số 06/2007/QH12 được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2007, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2008 là sự thể chế hoá, hiện thực và cụ thể hoá một cách nhanh chóng và kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Sự ra đời của Luật Hóa chất là dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và tạo lập một hành lang pháp lý chính thức và thống nhất cho các hoạt động hóa chất trên cả nước.
Sau 16 năm thi hành, việc thực thi Luật Hóa chất đã mang lại những tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Kể từ khi Luật Hóa chất có hiệu lực đến nay ngành công nghiệp hóa chất đã có bước phát triển mạnh mẽ, đã hình thành được những tổ chức nghiên cứu, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực của ngành, bước đầu hình thành một số tổ hợp công nghiệp hóa dầu và một số khu, cụm công nghiệp tập trung nhiều doanh nghiệp hóa chất… Luật Hóa chất và các văn bản dưới luật đã hình thành một hệ thống quy định quản lý hóa chất tương đối toàn diện từ trung ương đến địa phương, hoạt động hóa chất đã được quản lý chặt chẽ và ngày càng đi vào nề nếp, quy củ.
Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được thì trong thời gian thi hành Luật Hóa chất năm 2007 cũng gặp một số hạn chế tồn tại gây bất cập như: 
Luật Hóa chất hiện nay chưa quy định rõ ràng và chính xác phạm vi và đối tượng áp dụng các hoạt động quản lý, cụ thể như: chưa phân định được hóa chất và các sản phẩm hàng hóa chứa hóa chất; chưa phân định cụ thể hoạt động sản xuất hóa chất và các hoạt động phối trộn, pha loãng hóa chất; khái niệm về hóa chất độc chưa phù hợp thực tế...
Hóa chất tồn tại dưới nhiều trạng thái khác nhau và sử dụng trong nhiều lĩnh vực, do vậy các khái niệm chưa phân định rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến xác định đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật, phân công trách nhiệm và phối hợp trong quản lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước.
Các quy định về yêu cầu đối với dự án sản xuất, kinh doanh hóa chất tại Luật Hóa chất năm 2007 chủ yếu tập trung vào các yêu cầu đảm bảo an toàn hóa chất và bảo vệ môi trường, chưa đề cập đến các yêu cầu về định hướng phát triển ngành, chất lượng sản phẩm hay các yêu cầu về hóa học xanh.

Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để quản lý hoạt động hóa chất cơ bản ổn định

Do đó, Bộ Công Thương đề xuất xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi) nhằm xây dựng cơ sở pháp lý để đẩy mạnh phát triển công nghiệp hóa chất phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng được nêu tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030; xây dựng cơ sở pháp lý để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nêu tại Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với sự phát triển của ngành công nghiệp hóa chất, quản lý hóa chất, giảm thiểu tối đa rủi ro của các hoạt động hóa chất tới sức khỏe người dân, môi trường, tài sản, xã hội.
Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để quản lý hoạt động hóa chất cơ bản ổn định trong những năm tiếp theo; hài hòa hệ thống pháp luật về quản lý hóa chất với quy định của các nước trên thế giới, góp phần tạo môi trường thông thoáng, thu hút đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia, các tập đoàn hóa chất lớn với công nghệ, hệ thống quản lý hiện đại, sản phẩm có giá trị cao trên thế giới mở rộng hoạt động tại Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong giao thương quốc tế.

Bố cục dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi)

Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) bám sát vào 4 chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội và không bổ sung chính sách mới, bao gồm: Phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại; Quản lý hóa chất đồng bộ trong toàn bộ vòng đời; Quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm; Nâng cao hiệu quả đảm bảo an toàn hóa chất.
Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) gồm 89 điều và được bố cục trong 9 Chương (giảm 01 chương và tăng 18 điều so với Luật Hóa chất hiện hành):
                                                

Chương I: Quy định chung, gồm 8 Điều (từ Điều 1 đến Điều 8)

Nội dung chủ yếu về: Phạm vi điều chỉnh ; Đối tượng áp dụng ; Các hành vi nghiêm cấm trong sử dụng hóa chất.

Chương II: Phát triển công nghiệp hoá chất, gồm 6 Điều (từ Điều 9 đến Điều 14)

Nội dung chủ yếu về: Chiến lược phát triển công nghiệp hóa chất ; Các yêu cầu đặc thù đối với dự án hóa chất ; Cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với những lĩnh vực công nghiệp hóa trọng điểm..

Chương III: Quản lý hoạt động vòng đời của  hóa chất, gồm 30 Điều (từ Điều 15 đến Điều 44).

Nội dung chủ yếu về: Quy định chung đối với hoạt động hóa chất ; Quy định về Hóa chất có điều kiện ; Quy định về Hóa chất cần kiểm soát đặc biệt ; Quy định về Hóa chất cấm.

Chương IV: Thông tin hóa chất, gồm 11 Điều (Điều 45 đến Điều 55).

Nội dung chủ yếu về: kế thừa quy định tại Luật Hóa chất hiện hành về: đăng ký, đánh giá, quản lý hóa chất mới, thông tin về hóa chất, bảo mật thông tin và Cơ sở dữ liệu hóa chất.

Chương V: Sản phẩm chứa hóa chất nguy hiểm, gồm 3 Điều (Điều 56 và 58).

Nội dung chủ yếu về: bổ sung mới trong luật nhằm quy định rõ: Trách nhiệm của các Bộ quản lý về công bố hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật; Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm chứa hóa chất nguy hiểm trong xây dựng quy trình quản lý hóa chất; Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm chứa hóa chất nguy hiểm về công bố thông tin trên Cơ sở dữ liệu hóa chất. Các quy định trong xây dựng theo hướng minh bạch thông tin đến công chúng và không phát sinh thủ tục hành chính.

Chương VI: An toàn hóa chất, gồm 2 Mục, 13 Điều (từ Điều 59 đến Điều 71).

Nội dung chủ yếu về: yêu cầu đảm bảo an toàn trong hoạt động hóa chất và phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.

Chương VII: Bảo vệ môi trường và an toàn cho cộng đồng, gồm 5 Điều (từ Điều 72  đến Điều 76)

Nội dung chủ yếu về: kế thừa quy định tại Luật Hóa chất hiện hành vì đã thực hiện ổn định, phù hợp với thực tiễn và các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Chương VIII: Trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động hoá chất, gồm 11 Điều (từ Điều 77 đến Điều 87).

Nội dung chủ yếu về: Trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất

Chương IX: Điều khoản thi hành, gồm 2 Điều (Điều 88 và 89).

Nội dung chủ yếu về: Điều khoản thi hành Luật hóa chất
Trong thời gian tới, trên cơ sở ý kiến thảo luận của các Đại biểu Quốc hội và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), bảo đảm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng trong lĩnh vực hóa chất. Đồng thời, rà soát, xử lý các mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập (nếu có) với các luật khác để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật; phù hợp với bối cảnh trong nước, quốc tế hiện nay và tương thích với các Điều ước, Công ước quốc tế về hóa chất mà Việt Nam tham gia, nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa chất phát triển hiệu quả, bền vững.
Nguồn: Tạp chí Công Thương