1. Khái niệm đánh bóng rung
Hiện nay, ngành công nghiệp đánh bóng kim loại ngày càng phát triển vì nhu cầu đánh bóng kim loại ngày càng nâng cao. Những sản phẩm đạt độ bóng cao sẽ mang đến chất lượng và tính thẩm mỹ đạt tiêu chuẩn.
Những phương pháp đánh bóng kim loại thường sử dụng là: đánh bóng cơ học, đánh bóng hoá học, đánh bóng điện hoá và đánh bóng hoá lý. Với ưu điểm như giá thành hợp lý, độ bóng kim loại cao, phương pháp đánh bóng hoá lý được sử dụng rộng rãi trong những ngành công nghiệp gia công những chi tiết nhỏ: ốc vít, lò xo,…
Đánh bóng hoá lý hay còn gọi là đánh bóng rung 3D là phương pháp sử dụng các loại máy rung, quay kết hợp với các hạt ma sát: bi sắt, bi inox, đá ceramic…, và hóa chất tẩy rửa.
2. Quy trình đánh bóng kim loại
Máy đánh bóng rung 3D, hay máy rung bóng 3 chiều, máy xóc rung… được sử dụng phổ biến trong ngành công nghiệp đánh bóng. Hình dạng phổ biến của máy rung 3D là dạng bát. Thiết bị có động cơ quay gắn với búa văng lệch tâm làm cho máy chuyển động theo hình xoắn ốc. Kết quả làm cho chi tiết cần đánh bóng, vật liệu mài và hóa chất đánh bóng được đảo trộn, cọ sát, hết dầu gỉ và sản phẩm nhẵn bóng hơn. Máy này có thể được sử dụng để gia công bề mặt của nhiều loại kim loại bao gồm đồng, nhôm, kẽm, thép không gỉ, v.v.

Hình 1: Máy đánh bóng rung 3D trên thị trường
Quy trình đánh bóng kim loại như sau:
- Cho bi đánh bóng và các chi tiết cần đánh bóng vào máy đánh bóng rung.
- Thêm dung dịch đánh bóng vào hỗn hợp.
- Thêm nước vào thùng rung.
- Bật máy đánh bóng rung lên, cài đặt chế độ và bắt đầu đánh bóng.
- Sau khi nhận thấy sản phẩm đánh bóng đạt yêu cầu, tắt máy đánh bóng rung, xả nước làm sạch sản phẩm và tiến hành lấy sản phẩm ra ngoài.
- Sấy sản phẩm để tránh nước đọng gây ố, gỉ sản phẩm.
Trong quá trình đánh bóng rung 3D, người ta thường kết hợp luôn quá trình tẩy dầu, tẩy gỉ. Tẩy dầu giúp cho chi tiết loại bỏ dầu và sạch. Tẩy gỉ là bước mà các góc cạnh và các khuyết tật bề mặt do quá trình sản xuất được loại bỏ. Làm mịn bề mặt và làm cho các khuyết tật ít được chú ý hơn. Đánh bóng là bước cuối cùng, trong đó tiến hành hoàn thiện bề mặt mong muốn.

Hình 2: Mẫu vật liệu trước và sau đánh bóng
Trong quá trình đánh bóng có thể kiểm tra chất lượng bề mặt chi tiết, lấy chi tiết dễ dàng.
Hiệu suất đánh bóng rung cao hơn nhiều so với quay bóng. Đánh bóng rung có thể đánh bóng những chi tiết lớn, có thể kiểm tra bề mặt trong quá trình gia công. Đánh bóng rung không thích hợp với các chi tiết gia công chính xác và bề mặt nền quá thô.
3. Các yếu tố ảnh hưởng đến độ bóng
* Tần xuất rung và biên độ rung
Nhân tố quan trọng trong đánh bóng rung là tần xuất rung và biên độ rung. Tần xuất rung từ 15 – 50 Hz (thông thường là 20 – 30 Hz), biên độ rung là 2 – 10 mm (thông thường là 3 – 6 mm).
Máy đánh bóng rung 3D cung cấp các mức độ mạnh mẽ để tăng hiệu quả đánh bóng và hạn chế lượng vật liệu bắn ra.
* Dung dịch đánh bóng
Dung dịch đánh bóng là nhân tố chính quyết định đến chất lượng sản phẩm đánh bóng.
Tuỳ thuộc vào loại vật liệu cần đánh bóng, chọn dung dich đánh bóng cho thích hợp: dung dịch đánh bóng cho Al, Cu, Inox,… để tránh sự ăn mòn, ảnh hưởng đến tuổi thọ của sản phẩm.